Những dấu hiệu nên nghỉ việc càng sớm càng tốt
Bài học sống

Những dấu hiệu nên nghỉ việc càng sớm càng tốt

Chúng ta dành phần lớn cuộc đời mình cho công việc nên điều quan trọng cần nhớ là công việc phải mang lại sự hài lòng chứ không phải nỗi sợ hãi.

Vì thế, nếu bạn thấy công việc hiện tại có những dấu hiệu nguy hiểm sau đây nên tính đến chuyện nghỉ và thay đổi.

Thiếu cơ hội phát triển

Cơ hội thăng tiến, học tập và phát triển nghề nghiệp rất quan trọng với nhiều người lao động. Theo một khảo sát của hiệp hội Tâm lý Mỹ 91% người được hỏi cho biết những cơ hội này rất quan trọng với họ.

Báo cáo của Global Talent Monitor, năm 2018 cho biết thiếu cơ hội thăng tiến nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân chính khiến mọi người bỏ việc.

Nhà trị liệu tâm lý và người sáng lập trung tâm tư vấn tâm lý Living Openheart Therapy and Wellness lưu ý, hầu hết chúng ta dành nhiều giờ mỗi ngày cho công việc và tìm thấy mục đích nghề nghiệp. Vì vậy, cảm giác mắc kẹt, không có chỗ phát triển sẽ mang đến cảm giác trì trệ, hoang mang về mục đích, tác động tiêu cực đến hạnh phúc, dẫn đến thiếu động lực, thờ ơ hoặc cam chịu.

Một thực tế không thể thay đổi là một công việc không cho cơ hội phát triển và không thử thách chắc chắn dẫn đến sự trì trệ và bất mãn.

Sự trì trệ là vấn đề đặc biệt với người lớn tuổi trung niên, theo nhà trị liệu tích hợp Renée Zavislak ở Los Angeles, Mỹ. Nhiệm vụ phát triển chính của tuổi trung niên là phát triển ý thức về mục đích, ý thức chúng ta đang làm điều gì đó cho sau này.

Tuy nhiên, cần lưu ý sự phát triển không nhất thiết có nghĩa là thăng tiến. Cơ hội phát triển cũng có thể là học một kỹ năng mới, tạo một chương trình mới hoặc kết nối với các đồng nghiệp khác.

Rắc rối về đạo đức

Jenny Flora Wells, một nhà trị liệu tâm lý ở California cho biết, những vấn đề phức tạp về đạo đức có thể là nguyên nhân lớn gây bất mãn trong công việc. Nên nghỉ nếu chứng kiến những hành vi phi đạo đức tại nơi làm việc, thấy không phù hợp với niềm tin đạo đức của chủ, thậm chí cảm thấy những hành vi phi đạo đức trong cách ứng xử giữa các đồng nghiệp.

“Những trải nghiệm này làm gia tăng căng thẳng và lo lắng, khó giải quyết”, Wells nói.

Trong một số trường hợp, bạn có thể đặt ra những ranh giới rõ ràng để chứng minh không thỏa hiệp với các tiêu chuẩn nghề nghiệp gây nguy hiểm cho uy tín của mình.

Nhưng không đáng để làm cho một ông chủ, dưới trướng một vị sếp hoặc trong một công ty muốn mình làm những việc sai trái thay họ.

Sức khỏe tinh thần và cảm xúc

Mọi người đều phải đối mặt với những thách thức về tinh thần và cảm xúc của riêng mình, nhưng nếu công việc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý, thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đã đến lúc bạn phải chuyển việc.

Căng thẳng, lo lắng và không vui trong công việc kéo dài có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe và kiệt sức. Một dấu hiệu nổi bật là bạn luôn bồn chồn, lo sợ trước khi đi làm và kiệt sức mỗi đêm.

Zavislak gợi nên xem xét công việc ảnh hưởng thế nào theo bốn yếu tố chính, để quyết định nghỉ việc hay không. Bốn yếu tố gồm: thể chất, cảm xúc, trí tuệ và tinh thần. Đôi khi trong những trường hợp như vậy, rời bỏ công việc là một đặc ân.

Các yếu tố có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc bao gồm khối lượng công việc quá nhiều, cân bằng kém giữa công việc và cuộc sống, kỳ vọng không thực tế và nơi làm việc độc hại.

Thiếu hứng thú và động lực

Bạn không phải lúc nào cũng cần một lý do lớn lao, thuyết phục để nghỉ việc. Đôi khi, lý do có thể đơn giản chỉ là thiếu hứng thú và động lực.

Nếu thấy ngày càng khó khăn để có chút hứng thú với công việc, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải nghiêm túc xem xét lý do tại sao vẫn đang cố gắng.

Nếu công việc khiến bạn chán nản, hoàn toàn chính đáng để cân nhắc rời bỏ, làm điều gì đó thú vị, đầy thử thách và động lực hơn.

Sở thích và niềm đam mê giảm sút, đôi khi suy yếu là điều bình thường. Nhưng đó sẽ là một dấu hiệu nguy hiểm nếu bạn cảm thấy nó mỗi ngày.

Mất hứng thú với công việc có thể ảnh hưởng đến thái độ, tinh thần và năng suất. Bạn thấy mình ít nỗ lực hơn, thậm chí bắt đầu tìm lý do để tránh các công việc không hứng thú.

Jason Walker, phó giáo sư, tiến sĩ Tâm lý học (Đại học Adler), cho biết cảm giác buồn chán khi làm việc do mất hứng thú và bị tách khỏi nhiệm vụ vốn có, dẫn đến cảm giác không hài lòng, lo lắng gia tăng và mong muốn có thêm cơ hội.

Theo thời gian, mất hứng thú khiến bạn kiệt sức và mắc kẹt trong lối mòn. Nó cũng có thể có hiệu ứng lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Bạn thấy vô định, không được thỏa mãn và không có mục đích. Nó làm giảm sự hài lòng trong cuộc sống và góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Môi trường làm việc độc hại

Nếu việc đến văn phòng giống như chuẩn bị bước vào trận chiến, thì đó cũng là một lý do hoàn hảo để nói “Tôi nghỉ việc”

“Những nhân viên thấy bị đánh giá thấp, không được hỗ trợ hoặc gặp phải những hành vi như bắt nạt, phân biệt đối xử có thể chịu tác động tiêu cực đến hạnh phúc và sự hài lòng trong công việc”, Walker nói. Ông cũng chỉ ra một số yếu tố góp phần tạo ra môi trường làm việc độc hại, gồm: mức độ căng thẳng cao, không hài lòng với mức lương thưởng, kiệt sức và thiếu cơ hội thăng tiến.

Zavislak cho rằng rất nhiều người thấy buồn chán, căng thẳng và kiệt sức trong công việc, nên chấp nhận điều này như bình thường.

Bà gợi ý nên tự hỏi liệu công việc có ảnh hưởng đến ba lĩnh vực chính hay không: các mối quan hệ, sức khỏe thể chất và sức khỏe cảm xúc. Nếu có, chắc chắn bạn nên nghỉ việc.

Những cân nhắc về tài chính

Việc nghỉ việc có thể giải phóng bạn, đặc biệt là khi đã giải quyết một số vấn đề ở trên. Nhưng tiền thường là yếu tố quyết định. Hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất 3-6 tháng chi phí sinh hoạt để thấy ổn định khi rời bỏ công việc mà không căng thẳng về các hóa đơn chồng chất trong khi tìm một công việc mới.

  • Một số cân nhắc về tài chính cần cân nhắc trước khi bạn nghỉ việc.
  • Lập danh sách tất cả các chi phí, bao gồm tiền thuê nhà/thế chấp, hàng tạp hóa, tiện ích, thanh toán bằng thẻ tín dụng và các khoản trả nợ khác.
  • Liệt kê mọi chi phí không cần thiết mà bạn có thể cắt giảm.
  • Cập nhật sơ yếu lý lịch trước khi nghỉ việc và giữ liên lạc với những người có thể giới thiệu cho bạn một công việc lớn.

Nghỉ việc là một quyết định lớn, đôi khi đáng sợ, nhưng việc chuẩn bị cho sự thay đổi có thể giúp bạn thực hiện dễ dàng và bớt căng thẳng hơn.

Nếu công việc hiện tại không mang lại động lực tích cực cho cuộc sống của bạn hoặc tạo ra căng thẳng đáng kể, bạn phải tin vào trực giác và biết khi nào nên tiếp tục.

Đăng Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.