Kênh đầu tư nào có tiềm năng nhất năm nay?
Tài chính

Kênh đầu tư nào có tiềm năng nhất năm nay?

Kênh đầu tư nào hút tiền và có tiềm năng trong năm 2023 là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Bên cạnh chứng khoán, vàng, tiền gửi tiết kiệm có nhiều nét khả quan còn bất động sản vẫn bấp bênh và khó lường. 

Lãi suất tiết kiệm có thể duy trì ở mức cao

Lãi suất huy động, theo giới ngân hàng và các công ty chứng khoán, sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm nay, sau giai đoạn tăng “nóng” vào năm 2022. Hiện tại lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng dao động từ 7,5-10,5% một năm.

Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do hạn chế thanh khoản vì khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn “khát” vốn huy động để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế và tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022.

Đến nửa cuối năm nay, lãi suất tiền gửi theo công ty chứng khoán, mới có thể giảm nhẹ, nhờ áp lực tỷ giá giảm cho phép Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản tiền đồng cho hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát trong nước được kiểm soát.

Dù lãi suất đã tăng nhanh và mạnh trong năm 2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chung nhận định, dư địa tăng lãi suất huy động và cho vay vẫn còn trong năm nay. Quá trình tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa năm khiến VCBS dự báo, lãi suất đạt đỉnh vào nửa đầu năm nay, sau đó đi ngang và hạ nhiệt dần.

Giá vàng khả năng tăng nhưng không mạnh

Mike McGlone – chiến lược gia vĩ mô cấp cao của Bloomberg Intelligence cho rằng giá vàng thế giới có thể đã “chạm đáy” trong năm 2022. Ông nói: “Chúng tôi coi vàng là một mặt hàng có hiệu suất cao nhất vào năm 2023, đặc biệt khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách”. McGlone nghiêng về kịch bản kim loại quý có thể vượt trên 2.000 USD mỗi ounce vào năm sau và sẽ không trở lại vùng giá của 2022.

Còn theo chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam – ông Nguyễn Thế Hùng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sáu lần từ tháng 3/2022 đến nay đã giúp USD mạnh lên, cộng với việc thị trường tài chính biến động theo chiều hướng tăng, khiến một số quỹ đầu tư bán vàng để chuyển hướng đầu tư.

Ông Hùng nói, xét theo chu kỳ một năm, giá vàng thường chững lại trong quý III và tăng mạnh trở lại vào dịp cuối năm do ảnh hưởng từ nhu cầu của thị trường. Ông dự báo giá vàng thế giới vào đầu năm tiệm cận mức 1.950 USD mỗi ounce nếu có những động lực hỗ trợ từ thị trường tài chính. Trong kịch bản giữ được mức giá này, kim loại quý sẽ được “dọn đường” tăng trở lại mức 2.000 USD mỗi ounce.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý việc các nhà đầu tư phải bán vàng để giải quyết thanh khoản khi thị trường tài chính tiền tệ đang liên tục biến động và tiền số lao dốc. “Vàng có thể tăng nhưng sẽ không quá lớn và đột ngột như một số thời điểm trong năm 2021 và đầu năm 2022”, ông Hùng chia sẻ.

USD được dự báo biến động ít hơn

Các chuyên gia của SSI dự báo tỷ giá USD/VND sẽ không biến động mạnh như năm trước trong bối cảnh đồng bạc xanh được kỳ vọng đã lập đỉnh vào cuối 2022 và Fed dự kiến kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo sự hồi phục gần đây của đồng nhân dân tệ (CNY) có thể sẽ dẫn đến việc VND tăng giá do mối tương quan chặt chẽ. Dựa trên cơ sở các dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trong những tuần gần đây, đặc biệt là việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc, Standard Chartered thậm chí hạ dự báo tỷ giá USD/VND. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi của lĩnh vực du lịch có thể sẽ hỗ trợ cho tiền đồng. Theo ngân hàng này, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.200 đồng cuối quý I và lên nhẹ 23.500 đồng vào giữa năm.

Trong khi đó, dự báo của Ngân hàng UOB lại cho thấy USD tăng giá mạnh hơn. UOB ước tỷ giá USD/VND lên 25.200 đồng trong quý I, 25.400 đồng trong quý II, 25.600 trong quý III và 25.800 đồng trong quý cuối năm nay.

Theo các chuyên gia của UOB, quỹ đạo phục hồi của Trung Quốc khó diễn ra suôn sẻ do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm Covid-19. Suy thoái dự kiến diễn ra ở các nền kinh tế phương Tây như Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro có khả năng làm tăng thêm những bất ổn, do đó khiến đồng bạc xanh mạnh lên.

VN-Index sẽ bao nhiêu?

Sau một năm nhiều sự kiện “thiên nga đen”, giới phân tích tỏ ra thận trọng hơn về chứng khoán năm nay, dự báo VN-Index cao nhất quanh ngưỡng 1.200-1.300 điểm.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng có thể vẫn phải đối diện với những con sóng ngược, ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Lộ trình tăng lãi suất của Fed, kinh tế thế giới suy thoái và khả năng chống chịu của thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý II sẽ là những vấn đề cần lưu tâm. Nhóm phân tích Mirae Asset cũng cho rằng áp lực sẽ khá lớn với hệ thống tài chính đến từ trái phiếu doanh nghiệp khi một lượng lớn trái phiếu đáo hạn năm tới trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng.

VNDirect là một trong những công ty chứng khoán dự báo tích cực nhất, cho rằng thị trường năm nay có thể trở lại vùng 1.300 điểm, thậm chí xa hơn là 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12-12,5 lần. Theo nhóm phân tích, năm 2022, VN-Index “thất thủ” phần nhiều trước tâm lý bi quan, hơn là do sức khỏe nội tại.

Chung góc nhìn, báo cáo chiến lược của KB cho rằng thị trường sẽ có cơ hội mở rộng thêm đà hồi phục vào quý I, tiếp nối nhịp hồi phục từ cuối năm 2022, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào hai động lực chính là Trung Quốc mở cửa và Fed chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 3. Tuy nhiên, quý II có thể là thời điểm các lo ngại suy thoái kinh tế gây áp lực lên thị trường khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu suy yếu rõ ràng hơn. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn cũng khiến rủi ro gia tăng.

Gửi tiết kiệm, USD, vàng và chứng khoán là những kênh đầu tư truyền thống được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt với nhà đầu tư ít vốn và không chuyên.

Nếu làm một phép tính từ giai đoạn Covid-19 đến nay, với 100 triệu đồng phân bổ vào mỗi kênh đầu tư, khoản tiền nhà đầu tư nhận lại được sau ba năm có sự khác biệt đáng kể (không tính giao dịch lướt sóng, mua bán liên tục).

Bất động sản còn áp lực giảm giá

Ông Trần Khánh Quang – Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, đưa ra 2 kịch bản táo bạo và thận trọng. Kịch bản táo bạo xảy ra khi các cơ chế chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ được giải quyết trong quý I như: tái cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp địa ốc theo hướng hỗ trợ vốn cho dự án dở dang, giãn nợ, gia hạn trái phiếu, lãi suất giảm, room tín dụng mở… Nếu điều này xảy ra, các dự án cũ sẽ bắt đầu tiêu thụ mạnh trở lại và đến quý III thị trường sẽ hồi phục về mức giá cũ của đầu năm 2022. Bất động sản trung tâm có thể tăng nhẹ 5-7%, dự án ven tỉnh sẽ tăng giá 10-12% một năm. Bất động sản du lịch sẽ được tiêu thụ trở lại và nhóm tài sản nghỉ dưỡng gắn liền với đất có thể được tiêu thụ ổn định với biên độ tăng giá 15%.

Với kịch bản thận trọng (tỷ lệ khả thi lên đến 50%), đến hết quý II, các doanh nghiệp mới giải quyết bước đầu ổn định vấn đề nội tại của mình (tồn kho, dòng tiền). Bước sang quý III giao dịch mới dần trở lại với điều kiện lãi suất vay ổn định ở mức 10-12% một năm. Bất động sản tọa lạc tại khu trung tâm với TP HCM là hạt nhân sẽ đi ngang nhưng bất động sản vùng ven tiếp tục rớt giá nhiều hơn, giao dịch thấp. Giá bất động sản tại Long An, Bình Dương, Đồng Nai được dự báo giảm 5-7%, vùng phụ cận như Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 10-15%, giá tài sản ở vùng xa hơn như Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Nông… có thể giảm 15-20%.

Trong khi đó, theo ông Troy Griffiths – Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, với bối cảnh bất động sản toàn cầu có thể diễn biến chậm lại, Việt Nam cũng khó tránh những ảnh hưởng với lộ trình tương tự. Các vấn đề liên quan trái phiếu và các cuộc điều tra có liên quan đang tác động đến thị trường vốn cho bất động sản.

Với cách tiếp cận thận trọng ngay từ đầu, ông Nguyễn Lộc Hạnh – CEO Ngọc Châu Á, cũng dự báo thị trường địa ốc có rất ít cơ hội bứt phá táo bạo cho năm 2023. Thay vào đó, các công ty bất động sản tiếp tục đối mặt nhiều thách thức trong 2-3 quý đầu năm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần sẽ có ít nhất 6 tháng liên tiếp lỗ và không có dòng tiền.

Tiền số trưởng thành hơn nhưng khó lấy lại niềm tin

Ông Lê Sỹ Nguyên – Quản lý khu vực Đông Nam Á của một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Bybit, cho rằng người dùng đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm sau một năm nhiều biến cố. Hiện nay thị trường hiểu, yêu cầu nhiều hơn về chất lượng và sự minh bạch của các dự án, các sàn giao dịch.

Ông Nguyên lấy ví dụ gần đây, một số sàn giao dịch được cho là niêm yết Pi, mang đến sự sôi động nhất định cho thị trường. Nhưng sau đó, người dùng lập tức nhận biết đây là hình thức IOU (mua bán ghi nợ, hình thức niêm yết không chính thức) và tự cảnh báo nhau các rủi ro.

Về triển vọng, theo dữ liệu lịch sử, mỗi lần Bitcoin halving (quá trình giảm một nửa phần thưởng khối – block rewards, của việc khai thác Bitcoin) sẽ có một mùa uptrend. Tính từ nay, thị trường còn gần 400 ngày nữa sẽ đến sự kiện quan trọng này. Do đó, đại diện Bybit nói người dùng đều kỳ vọng rằng thị trường sẽ sớm hồi phục và tăng trưởng.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn thường trực. Hiểu tâm lý nhà đầu tư đang kỳ vọng về mùa tăng trưởng mới, ông Nguyên cho rằng trong thời gian tới có thể ghi nhận nhiều dự án, hình thức huy động vốn cả cũ (ICO, IEO, IDO) và mới xuất hiện. “Họ sẽ mượn danh nghĩa phát triển dự án cho mùa uptrend sắp tới và huy động vốn. Nhà đầu tư càng phải cẩn thận hơn khi tham gia vào bất cứ dự án hoặc trend mới nào”, ông Nguyên lưu ý.

Deal Hot

DANH SÁCH COUPON

Trên trang
Trên trang

Đăng Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.