Thi cử ở Trung Quốc: Áp lực đại học nặng tựa núi Thái Sơn
Giáo Dục

Thi cử ở Trung Quốc: Áp lực đại học nặng tựa núi Thái Sơn

Cứ đầu tháng 6 hàng năm, hàng triệu thí sinh Trung Quốc bước vào kỳ thi đại học (gaokao) đầy áp lực, thử thách và mang tính sống còn, quyết định sự thành bại và tương lai của mỗi thí sinh.

Năm nay, gaokao thậm chí quyết liệt hơn, bởi kết quả thi còn mở thêm cơ hội cho sinh viên Trung Quốc trúng tuyển vào các trường đại học ở Mỹ.

Kết quả gaokao – chỉ số quan trọng

Ngày 20.6, các trường đại học ở Trung Quốc bắt đầu công bố kết quả thi năm 2018 và kết quả gaokao này đang được chấp nhận ở Mỹ như 1 điểm cộng trong xét tuyển. Đại học San Francisco (USF) – trường bắt đầu nhận thí sinh Trung Quốc dựa trên kết quả gaokao từ năm 2015, cho biết, các sinh viên Trung Quốc tham gia chương trình xét tuyển này đạt kết quả cao hơn đáng kể so với những sinh viên được nhận theo phương thức truyền thống.

THI

Với hơn một nửa số sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc, USF nhận 33 sinh viên Trung Quốc theo chương trình gaokao, trong đó yêu cầu điểm kiểm tra, bảng điểm trung học và phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh với giáo sư đại học. Khoảng 377.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ, chiếm hơn 1/3 số sinh viên quốc tế.

Từ ngày 7.6, gần 10 triệu học sinh Trung Quốc bắt đầu tham gia kỳ thi gaokao – kỳ thi luôn được xem là thử thách lớn nhất đối với học sinh. Gaokao, theo nghĩa đen là “kỳ thi chất lượng cao” bắt đầu từ năm 1952 nhưng bị dừng lại 14 năm sau đó, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông quyết định rằng giới trẻ có học thức (bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường hiện nay) phải được cử xuống các vùng nông thôn để “học hỏi từ nông dân”.

Gaokao được khôi phục vào năm 1977 và duy trì từ đó đến nay. Giới hạn về độ tuổi thi gaokao đã được bãi bỏ vào năm 2001, bất cứ ai có bằng tốt nghiệp trung học đều có thể dự thi. Kỷ lục số thí sinh thi gaokao là 10,5 triệu trong năm 2008, nhưng con số này đã giảm mạnh kể từ đó. Năm 2018 có khoảng 9,4 triệu thí sinh tham gia thi.

Gaokao gồm 3 môn thi bắt buộc: Tiếng Trung, tiếng Anh và toán, cùng 1 môn thi tự chọn tùy theo khối khoa học tự nhiên (sinh học, hóa học, vật lý) hay môn xã hội (địa lý, lịch sử, chính trị).

Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên, đáng sợ nhất là bài luận. Toàn bộ kỳ thi kéo dài hơn 9 tiếng trong 2 ngày 7-8.6.

gakao

Kỳ thi quyết định số phận

Gaokao được xem là kỳ thi quan trọng nhất đối với các sĩ tử hơn chục năm đèn sách, bởi điểm số của kỳ thi sẽ quyết định phần lớn tương lai của các em, liệu có thể tiếp tục học đại học để ra trường có việc hay không.

Các thí sinh đạt kết quả tốt trong gaokao có cơ hội được nhận vào các trường đại học tốt hơn, nơi đảm bảo 1 tương lai tương sáng hơn sau khi tốt nghiệp, thậm chí quyết định sự giàu có và quyền lực. Đối với hầu hết người Trung Quốc, nhất là những người có xuất thân yếu thế, thì điểm cao trong kỳ thi đại học là phương tiện duy nhất để thay đổi đáng kể số phận của họ.

“Đó là 1 con đường rất hẹp nhưng là cách duy nhất để tôi rời khỏi thôn quê để ra thế giới” – SCMP dẫn lời ông Yu Minhong, người sáng lập cơ sở giáo dục ngôn ngữ New Oriental Education ở Trung Quốc nói. “Gaokao tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ em cả ở nông thôn và thành thị. Không có gaokao, hàng triệu trẻ em ở các vùng nông thôn, kể cả tôi, sẽ không có hy vọng”.

Để chuẩn bị cho cuộc thi sinh tử này, thí sinh không có cách nào khác là học, học và học, cày ngày cày đêm, mọi giờ có thể. Rất nhiều học sinh hoàn thành các môn học trong năm thứ 2 ở trung học và dành 1 năm còn lại để nhồi nhét chuẩn bị cho kì thi gaokao.

di thi

Tại trường trung học phổ thông Hengshui ở tỉnh Hà Bắc, nơi có hơn 100 em đỗ vào các trường đại học danh giá như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, các em được truyền thuốc qua đường tĩnh mạch để giúp tập trung hơn khi học.

Không chỉ thí sinh lo lắng, các bậc phụ huynh thậm chí còn áp lực hơn các con em mình. Trong kì thi, nhiều ông bố bà mẹ phải thuê khách sạn gần trường thi để con họ có thể nghỉ ngơi giữa các môn thi và tránh bị tắc đường vào giờ cao điểm buổi sáng. Áp lực về điểm số đến từ phía bố mẹ và thầy cô khiến không ít thí sinh gặp khủng hoảng nếu thất bại.

Sự cạnh tranh khốc liệt và nhấn mạnh vào điểm số, đặt học sinh, giáo viên và phụ huynh vào tình trạng ganh đua căng thẳng là điều gây tranh cãi nhất ở gaokao.

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học được phân bổ cho từng tỉnh hay thành phố cấp tỉnh, như Bắc Kinh và Thượng Hải, dựa trên hộ khẩu của thí sinh, dẫn đến việc các địa phương cấm thi sinh nhập cư không được thi tại những khu vực mà họ đang sống.

Deal Hot

DANH SÁCH COUPON

Trên trang
Trên trang

Đăng Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.